Nihongo Notes
- Tác giả: Osamu Mizutani, Nobuko Mizutani
- Chuyển ngữ: Yappa
- Mục lục
Naruhodo
なるほど
(Thật vậy)
Chiều hôm qua, anh Mori, giám đốc công ty nơi anh Lerner làm việc, đang trình bày về kế hoạch của mình. Trong lúc nghe, anh Lerner rất để ý đến việc sử dụng aizuchi mỗi khi có thể. Mấy tuần qua anh đã quen dần với việc dùng aizuchi, dù đã phải cố gắng rất nhiều. Lần này anh muốn thử dùng một số cách diễn đạt khác ngoài Hai, Ee hay Soo-desu-ka, nên anh nói
Naruhodo.
なるほど。
mỗi khi anh Mori dừng lại.
Nhưng có vẻ anh Mori không thích lắm. Thực tế, khi anh Lerner lặp lại cách điễn đạt này Naruhodo, naruhodo, anh ấy đã ngừng nói và yêu cầu anh Lerner lắng nghe một cách yên lặng.
Anh Lerner không hiểu cách dùng Naruhodo của mình có gì sai. Không phải người Nhật rất hay dùng nó, đặc biệt là khi nghe người khác giải thích gì đó hay sao. Ngay cả khi nói tiếng Anh, người Nhật có vẻ cũng dùng “I see” (Tôi hiểu) nhiều quá mức cần thiết, có lẽ vì họ nghĩ từ tiếng Anh ấy tương đương với Naruhodo.
* * *
Từ naruhodo nghĩa là “thật vậy”, “đúng rồi”, “chắc chắn rồi” và thường được sử dụng để thể hiện người nói hiểu rõ những gì anh ta nghe được. Trong trường hợp này thì nó hoàn toàn thích hợp để sử dụng như là aizuchi, nhưng ta phải rất cẩn thận khi sử dụng trong giao tiếp lịch sự.
Naruhodo thuộc về nhóm cách diễn đạt dùng theo kiểu độc thoại trong giao tiếp lịch sự, giống như Aa, soo-ka hoặc Aa, soo yuu wake-ka. Khi người nói dùng những cách diễn đạt này trong một cuộc hội thoại lịch sự, anh ta sẽ phải thể hiện rằng chúng hướng đến chính mình chứ không phải người nghe. Nói cách khác, anh ta được phép dùng trong hội thoại lịch sự những cách diễn đạt vốn quen thuộc đó chỉ khi anh ta nói chuyện với chính mình. Để thể hiện điều đó, ta sẽ phải phát âm cách diễn đạt ấy bằng tông thấp và ngữ điệu đi xuống; nếu không cách diễn đạt ấy nghe sẽ bất lịch sự.
Đôi khi người ta cố tình dùng những cách diễn đạt này để thể hiện sự hào hứng đối với cuộc hội thoại. Ví dụ, các phóng viên trên radio hay chương trình ti vi, thường nói Naruhodo để thể hiện rằng họ bị cuốn hút vào cuộc nói chuyện đến mức quên để tâm đến tính hình thức; bằng cách này, họ có thể khuyến khích người đang được phỏng vấn hơn. (Đàn ông thường dùng Naruhodo kiểu này nhiều hơn phụ nữ; có lẽ phụ nữ thường được dạy nên kìm nén việc độc thoại khi ở nơi công cộng).
Trước khi bạn quen với cách nói này, sẽ an toàn hơn nếu sử dụng Soo-desu-ka hoặc Wakarimashita trong giao tiếp lịch sự, thay vì Naruhodo, và chỉ sử dụng những cách diễn đạt như
Naruhodo, naruhodo.
なるほど、なるほど。
hoặc
Naruhodo-nee.
なるほどねえ。
trong giao tiếp thông thường.