Nihongo Notes
- Tác giả: Osamu Mizutani, Nobuko Mizutani
- Chuyển ngữ: Yappa
- Mục lục
To yuu-to…
と いうと……
(Thế nên…?)
Mấy tuần trước chị Yoshida hỏi anh Lerner liệu anh có thể đến bữa tiệc tại nhà chị vào thứ bảy không. Anh Lerner đã lập kế hoạch đi Kyoto ngày hôm đấy, nên anh nói:
Sono hi-wa ikemasen. To yuu-to Kyooto-e ikanakereba narimasen.
có nghĩa là “Hôm đấy tôi không đi được. Lý do là vì tôi phải đi Kyoto.” Anh đã học cách diễn đạt to yuu-to mà anh hiểu là nó được dùng bằng cách đặt phía trước ý giải thích cho câu trước đó. Chị Yoshida hiểu ý anh, nhưng chị nói to yuu-to có gì đó là lạ.
Anh Takada đồng ý với chị và nói rằng anh Lerner đáng ra nên dùng to yuu-no-wa khi nêu lý do cho cái anh đã nói. Anh ấy bổ sung rằng to yuu-to được dùng khi yêu cầu người khác đưa ra lý do.
* * *
Hai cách diễn đạt về cơ bản được sử dụng cho các mục đích khác nhau. To yuu-no-wa (nghĩa đen là “Để nói thì”) được dùng khi đưa ra lý do cho mệnh đề phía trước. Ngược lại to yuu-to (nghĩa đen “nếu bạn nói…” hoặc “nếu tôi nói…”) được dùng để tiếp tục hoặc phát triển mệnh đề phía trước; nó tương ứng với cụm “thế nên…” hoặc “thế nên…?”
Nhưng cách sử dụng thực tế của hai cách diễn đạt này mang tới cảm giác khá khác nhau. Ví dụ ai đó nói rằng anh ta không thể đến vào ngày nào đó và bạn muốn biết vì sao. Cả hai hội thoại sau đều đúng về mặt ngữ pháp nhưng có vài điểm khác nhau về mức độ lịch sự.
I.
A: Sono hi-wa korarenai-n-desu-ga. (Hôm đấy tôi không đến được.)
B: To yuu-no-wa…? と いうのは……?
A: Kyooto-e iku-n-desu. (Tôi sẽ đi Kyoto.)
II.
A: Sono hi-wa korarenai-n-desu-ga.
B: To yuu-to…? と いうと……?
A: Kyooto-e iku-n-desu.
Người nói B nghe có vẻ bất lịch sự trong ví dụ I. Vì to yuu-no-wa được sử dụng để hỏi trực tiếp lý do, nó nghe có vẻ đòi hỏi. Trong các tình huống xã hội thường thì người ta hay thay bằng to yuu-to kể cả khi người đó muốn biết lý do. Và trong trường hợp này to iimasu-to hoặc to osshaimasu-to được sử dụng để nghe lịch sự hơn.
Nói to yuu-no-wa…? nghe giống như hỏi thẳng “Vì sao?” khi cảnh sát thẩm vấn nghi phạm hoặc giáo viên hỏi học sinh để chứng minh tính xác thực cho câu trả lời của cậu ta. Đặc biệt nên tránh dùng nó nếu câu hỏi liên quan tới những gì mà người nói có thể không muốn nhắc đến. Và, để lịch sự hơn, một người chỉ nên nói Soo-desu-ka (Vậy à?) hoặc Haa… (Vâng…?) và chờ người kia bắt đầu đưa ra lý do.